Khi trẻ khoảng 3 tuổi, hàm đã mọc gần 20 chiếc răng. Chiếc răng đầu tiên trong đời của trẻ cũng rất cần sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ để trẻ có sức khỏe răng miệng tốt, giảm mắc các bệnh lý răng miệng. Bố mẹ hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết cách chăm sóc răng miệng cho trẻ mầm non từ 3-6 tuổi đúng cách nhé!
1. Vệ sinh răng miệng – Chăm sóc răng miệng cơ bản cho trẻ mẫu giáo
Trước hết, để chăm sóc răng miệng cho trẻ mầm non, cha mẹ cần quan tâm đến việc vệ sinh răng miệng hàng ngày. Để vệ sinh răng miệng đúng cách và hiệu quả, cha mẹ nên thực hiện như sau:
- Chải răng thường xuyên, sáng và tối, ngày 2 lần, chải nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến nướu. Mỗi lần đánh răng nên kéo dài ít nhất 2 phút, chải tất cả các mặt của răng.
- Cha mẹ cần theo dõi, kiểm tra việc đánh răng của trẻ để đảm bảo trẻ thực hiện đúng cách.
- Trẻ em trên 3 tuổi đã có thể sử dụng kem đánh răng có Florua. Lúc này, mẹ cần chọn loại kem đánh răng cho trẻ có hàm lượng Florua vừa đủ để bảo vệ răng bé khỏe mạnh hơn. Vì thành phần này giúp củng cố men răng nên nó có hiệu quả hơn trong việc chống lại vi khuẩn.
Cha mẹ cần theo dõi, kiểm tra việc đánh răng của trẻ
Đánh răng cho bé bằng kem đánh răng phù hợp
- Nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối pha loãng hoặc nước súc miệng có Florua để phòng sâu răng cho trẻ.
- Bàn chải đánh răng dùng để đánh răng cho trẻ phải có đầu tròn, vừa với tay trẻ. Lông bàn chải mềm để bé có thể tự chải mà không làm tổn thương mô nướu.
- Các mẹ cần thay bàn chải đánh răng cho bé thường xuyên, khoảng 3 tháng một lần, vì lúc này lông bàn chải kém hiệu quả làm sạch và có thể chứa vi khuẩn gây bệnh.
Lưu ý:
- Đối với trẻ nhỏ, mẹ nên cùng bé đánh răng, không chỉ kích thích sự hứng thú của bé mà còn giúp bé đánh răng đúng cách.
- Hãy tập cho trẻ thói quen đánh răng thường xuyên, để trẻ dễ hình thành thói quen đánh răng đúng giờ.
- Mẹ có thể chuẩn bị nhiều loại kem có hương vị khác nhau và bàn chải nhiều màu sắc để kích thích sự hứng thú của bé.
2. Cung cấp dinh dưỡng tốt cho sức khỏe răng miệng của bé
Trong chế độ chăm sóc răng miệng cho trẻ mầm non thì chắc chắn không thể thiếu chế độ ăn uống hay dinh dưỡng hàng ngày của trẻ. Cha mẹ cần chú ý thực đơn dinh dưỡng sau cho con:
- Nên chọn những thực phẩm giàu canxi và vitamin D tốt cho răng như tôm, cua, sò, ốc, trái cây, rau xanh, sữa và các chế phẩm từ sữa.
- Uống nhiều nước lọc để tránh khô miệng và tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển. Đặc biệt sau bữa ăn, mẹ nên nhắc con uống nhiều nước để giảm mảng bám trên răng.
- Mẹ cần kiểm soát lượng đường và đồ ngọt trẻ ăn hàng ngày, vì chúng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ sâu răng ở trẻ.
- Nên hạn chế cho trẻ ăn đồ nếp có tính dính cao vì trẻ sẽ khó vệ sinh răng miệng và vi khuẩn sẽ có cơ hội phát triển.
- Răng sữa của trẻ em vẫn còn tương đối mỏng manh. Nên hạn chế ăn những thức ăn quá nóng, quá lạnh, quá chua, quá cứng để tránh làm hỏng men răng.
Ăn uống gì để trẻ có răng khỏe mạnh
3. Từ bỏ dần những thói quen xấu ảnh hưởng đến răng
Những thói quen xấu trẻ cần bỏ ngay để tránh làm hỏng răng miệng bao gồm:
- Bú bình kéo dài
- Mút ngón tay, cắn móng tay, cắn vật lạ
- Đẩy lưỡi
- Thở bằng miệng
- Cắn chặt răng, cắn môi, cắn má
- Nghiến răng
- Chống cằm
Trẻ bú bình lâu ngày thường dễ bị sâu răng. Đặc biệt là nếu trẻ không được làm sạch răng miệng sau khi bú bình xong. Cùng với các thói quen xấu khác như cắn móng tay, thè lưỡi, thở bằng miệng… sẽ khiến răng trẻ mọc lệch, hô vẩu, ảnh hưởng đến khớp cắn khi trưởng thành. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm, hướng dẫn con bỏ dần những thói quen xấu này. Đây là một trong những vấn đề chăm sóc răng miệng cho trẻ mẫu giáo mà cha mẹ cần đặc biệt quan tâm.
Nghiến răng có thể ảnh hưởng xấu đến răng vĩnh viễn sau này của trẻ
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên đưa trẻ đi khám răng định kỳ 6 tháng/lần để bác sĩ kiểm tra, theo dõi sức khỏe răng miệng của trẻ, giúp trẻ phòng ngừa các bệnh lý và giúp trẻ mọc răng vĩnh viễn đều và đẹp.