Fluoride là một khoáng chất tự nhiên có lợi cho quá trình tạo men răng và hình thành xương. Bên cạnh những lợi ích mà hoạt chất này mang lại, nếu chúng ta sử dụng sai cách cũng có thể dẫn đến tình trạng nhiễm độc Fluoride ở răng. Vậy bạn cần lưu ý gì khi dùng kem đánh răng chứa Fluoride? Hãy cùng Oralmart tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Fluoride là gì?
Fluorine hay flo (kí hiệu nguyên tố hóa học là F), là nguyên tố không mùi, thường tồn tại trong tự nhiên dưới dạng hợp chất hoặc ở trạng thái hòa tan trong nước.
Vậy Fluoride là gì? Fluoride là gốc anion của nguyên tố F, là khoáng chất hiện diện trong xương, răng của con người và trong tự nhiên như nước, đất, không khí. Trong nha khoa, Fluoride có tác dụng tăng cường men răng, ngừa sâu răng.
Fluoride có vai trò gì đối với cơ thể và sức khỏe răng miệng
Ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác, người ta dùng Fluoride vào nguồn cung cấp nước công cộng để giảm tỉ lệ sâu răng trong cộng đồng. Đây còn được gọi là chương trình Fluoride hóa nước. Vậy Fluoride mang lại những lợi ích gì khi mà ion này được ứng dụng rộng rãi như vậy? Hãy cùng Oralmart tìm hiểu dưới đây nhé!
Vai trò của Fluoride đối với cơ thể
Đối với cơ thể, fluoride còn là một yếu tố vi lượng cần thiết cho sức khỏe toàn thân, có tác dụng kích thích quá trình tổng hợp collagen, quá trình chuyển hóa calcium, phosphate trong cơ thể, NaF kích thích các nguyên bào xương trong quá trình tái tạo xương,…
Vai trò của Fluoride đối với sức khỏe răng miệng
Fluoride trong men răng
Nhìn chung, Fluoride là khoáng chất quan trọng trong quá trình tạo ngà răng và lớp men răng. Men răng là cấu trúc vô cơ cứng chắc nhất trong cơ thể, thành phần của men răng chứa đến 96% là Hydroxyapatite (HA), có công thức hóa học Ca5(PO4)3(OH), thường được viết là Ca10(PO4)6(OH)2 để chỉ ra rằng mỗi đơn vị tinh thể Hydroxyapatite được cấu tạo từ hai phân tử Ca5(PO4)3(OH).
Flouride có thể có khả năng đi vào men răng và chuyển đổi các tinh thể hydroxyapatite thành Fluoroapatite giúp men răng cứng chắc và giảm khả năng hòa tan. Fluoroapatite có công thức hóa học Ca5(PO4)3F (calcium fluorophosphate).
Phản ứng tạo thành tinh thể Fluoroapatite như sau:
3Ca2+ + 2PO43- → 3Ca3(PO4)2
3Ca3(PO4)2 + CaF2 → 2Ca5(PO4)3F
Qua phản ứng trên cho thấy vai trò của Fluoride trong việc củng cố cấu trúc cho răng, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển men răng, ngà răng.
Fluoride trong quá trình tái khoáng hóa
Lớp khoáng của răng không ngừng bị bào mòn do vi khuẩn, đường và acid có trong thức ăn. Quá trình này được gọi là khử khoáng và nó xảy ra hoàn toàn tự nhiên. Khử khoáng xảy ra với tất cả mọi người theo tuổi tác. Khi lớp khoáng của răng bị mòn quá mức, tình trạng ê buốt có thể xảy ra.
Ngược lại, tái khoáng là cách cơ thể giúp răng phục hồi sau những nhiệm vụ hàng ngày. Tái khoáng lấp đầy các mảng răng mòn bằng cách bổ sung các khoáng chất bị mất. Bạn có thể hỗ trợ quá trình này bằng cách lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh, chăm sóc răng miệng tốt và sử dụng kem đánh răng cho răng nhạy cảm giúp phục hồi khoáng chất bị mất và củng cố lại men răng bị suy yếu.
Trong giai đoạn tái khoáng hóa, Fluoride trong kem đánh răng, nước súc miệng, dinh dưỡng ăn uống bổ sung sẽ giúp bảo vệ răng bằng cách tăng cường lớp bảo vệ men răng. Ngoài ra, Fluoride còn có thể phục hồi các lỗ sâu răng mới hình thành. Do đó, Flouride là thành phần không thể thiếu trong việc phòng ngừa sâu răng.
Việc áp dụng fluoride tại chỗ thông qua kem đánh răng và nước súc miệng là rất quan trọng đối với miệng vì nó ủng hộ khoáng hóa nha khoa, giảm nguy cơ và tỷ lệ sâu răng và góp phần tăng cường men răng, bất kể tuổi tác của bạn.
Cách sử dụng Fluoride để chăm sóc răng miệng
Thông thường, Fluoride hiện diện khá phổ biến trong các sản phẩm nha khoa chăm sóc răng miệng như kem đánh răng, gel dùng cho nướu, nước súc miệng với hàm lượng phù hợp.
Dùng kem đánh răng chứa Fluoride
Bạn hãy đánh răng hai lần một ngày với kem đánh răng có chứa Fluoride với lượng vừa đủ. Sự chuyển động và ma sát của việc chải răng là rất quan trọng. Bạn có thể đánh răng chỉ với nước nhưng sử dụng kem đánh răng có chứa Fluoride và các chất làm sạch khác sẽ tăng cường đáng kể lợi ích của việc chải răng.
Sau đó, bạn có thể dùng thêm chỉ nha khoa hoặc sử dụng bàn chải kẽ để lấy đi những những mảng bám và vụn thức ăn thừa ở những vùng mà bàn chải thông thường không tiếp cận tới.
Dùng nước súc miệng có chứa Fluoride
Để hỗ trợ sau bước đánh răng, nước súc miệng chứa Fluoride thường được khuyến cáo sử dụng để chăm sóc răng miệng chuyên sâu. Việc này nhằm đảo bảo làm sạch các khu vực bàn chải khó tiếp cận được và giữ lại các thành phần hoạt tính có lợi cho sức khỏe răng miệng trong khoảng thời gian lâu hơn. Cách sử dụng nước súc miệng là:
- Súc miệng với 15ml nước súc miệng không pha loãng hằng ngày trong 30 giây, rồi nhổ ra ngoài.
- Sử dụng 2 lần một ngày sau khi ăn hoặc sau khi đánh răng (tốt hơn nên dùng với kem đánh răng chứa Fluoride).
- Để có kết quả tốt, không súc miệng lại với nước.
Có phải kem đánh răng nào cũng cần chứa Fluoride?
Mặc dù Fluoride mang lại những công dụng tuyệt vời, tuy nhiên không phải kem đánh răng nào cũng cần chứa hoạt chất này. Việc thêm Fluoride vào sản phẩm còn tùy vào mục đích sử dụng của sản phẩm, dùng hàng ngày, dùng điều trị, chăm sóc đặc biệt trong nha khoa như là: ngăn ngừa sâu răng, chống xói mòn, điều trị và ngăn ngừa tình trạng ê buốt, chăm sóc răng chỉnh nha,…
Ngoài ra, tuổi tác cũng là một yếu tố cân nhắc kỹ khi đưa hoạt chất này vào sản phẩm kem đánh răng. Kem đánh răng chứa Fluoride được rất nhiều nha sĩ khuyên dùng bởi những vai trò quan trọng của nó. Theo thống kê, khi sử dụng kem đánh răng chứa Fluoride, tỷ lệ phòng ngừa sâu răng trong 2 năm khoảng 20 – 30%. Càng tiếp tục sử dụng thì tỷ lệ này càng tăng lên. Thêm vào đó, kem đánh răng chứa Fluoride mạnh (trên 5000 phần triệu) sẽ được bác sĩ kê đơn và chỉ được khuyến cáo sử dụng cho người lớn, đặc biệt là người có nguy cơ sâu răng cao.
Đối với trẻ em, theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), thì một lượng nhỏ kem đánh răng có chứa Fluoride được khuyến khích sử dụng từ khi trẻ mọc chiếc răng đầu tiên cho tới khi trẻ được 3 tuổi. Với trẻ em từ 3-6 tuổi, khuyến nghị sử dụng một lượng kem đánh răng có kích cỡ bằng hạt đậu. Những khuyến nghị này đã bao gồm rủi ro có thể xảy ra đối với nhiễm độc Fluoride ở răng, hiện tượng răng đổi màu hoặc xuất hiện đốm lạ. Tuy nhiên vẫn có kem đánh răng cho bé từ 3 tháng, chỉ chứa các thành phần tự nhiên, lành tính, an toàn cho trẻ khi sử dụng
Những lưu ý khi sử dụng kem đánh răng chứa Fluoride
Việc sử dụng fluoride đúng cách và đầy đủ là rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho sức khỏe. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng fluoride:
- Sử dụng đúng liều lượng và theo chỉ định của bác sĩ nha khoa để đảm bảo hiệu quả và tránh tình trạng sử dụng quá mức gây hại cho răng miệng.
- Không nên sử dụng fluoride quá mức, đặc biệt là khi sử dụng cùng lúc nhiều sản phẩm có chứa fluoride như kem đánh răng, nước súc miệng và viên uống. Nếu sử dụng quá mức, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như chứng viêm nướu và sự xuất hiện của các vết trắng trên răng.
- Tránh nuốt fluoride, đặc biệt là đối với trẻ em và người già. Việc nuốt fluoride có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như buồn nôn, đau bụng, nôn mửa và cảm giác khó chịu.
- Khuyến cáo không nên sử dụng fluoride cho trẻ em dưới 6 tuổi nếu không có sự hướng dẫn của bác sĩ nha khoa. Việc sử dụng fluoride cho trẻ em cần được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ nha khoa để đảm bảo an toàn, hiệu quả.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ nha khoa trước khi sử dụng fluoride cho trẻ em và người già, đặc biệt là đối với những người có sức khỏe yếu hoặc có các vấn đề sức khỏe liên quan đến răng miệng.
Lưu ý rằng việc sử dụng fluoride đúng cách và theo chỉ định của bác sĩ nha khoa là rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho sức khỏe của bạn và gia đình.
Lời kết
Với những thông tin mà Oralmart đã chia sẻ trên đây, nhìn chung Fluoride là khoáng chất rất tốt cho cả răng và xương. Tuy vậy, nó cũng như những hoạt chất khác, việc lạm dụng hay sử dụng sai cách cũng có thể dẫn đến những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, bạn hãy bổ sung vừa đủ và cần phối hợp với nhiều biện pháp khác nhau để chăm sóc răng miệng thật tốt nhé!