Sức khỏe răng miệng và sức khỏe toàn cơ thể có mối liên hệ mật thiết với nhau. Có thể nói chăm sóc sức khỏe răng miệng chính là bảo vệ sức khỏe toàn cơ thể. Hãy cùng Oralmart tìm hiểu về các biện pháp vệ sinh răng miệng đúng cách và những sai lầm bạn cần tránh khi thực hiện.
Tầm quan trọng của việc chăm sóc răng miệng hàng ngày
Răng miệng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và thẩm mỹ của bạn, một quy trình chăm sóc đúng sẽ mang lại những lợi ích tuyệt vời sau đây.
Giữ hàm răng trắng sáng, ngăn ngừa bệnh nha khoa
Chăm sóc răng miệng đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ mảng bám và vi khuẩn trong khoang miệng một cách hiệu quả. Nhờ đó nguy cơ bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu và các vấn đề khác được đẩy lùi. Ngoài ra, chăm sóc răng miệng đúng cách hàng ngày cũng giảm tích tụ các mảng bám ố vàng từ vụn và màu thức ăn, mang lại nụ cười trắng sáng, tự tin nhất.
Cải thiện khả năng nhai
Khả năng ăn nhai của bạn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi chất lượng của răng. Khi vệ sinh răng miệng không tốt dễ dẫn đến bệnh lý răng miệng, mòn răng hoặc răng nhạy cảm, từ đó ảnh hưởng lớn đến chức năng nhai và tiêu hóa thức ăn của bạn. Khả năng nhai bị ảnh hưởng lâu dài khiến hấp thu trong tiêu hóa bị hạn chế, ảnh hưởng đến sức khỏe chung đồng thời sẽ giảm bớt cảm giác ngon miệng khi ăn uống.
Vì vậy, để có thể thưởng thức lâu dài những loại thực phẩm yêu thích một cách thoải mái, bạn cần chú trọng đến việc vệ sinh răng miệng đúng cách.
Bảo vệ khỏi các bệnh lý nguy hiểm giúp duy trì sức khỏe sự ổn định
Thực tế có rất nhiều bệnh lý toàn cơ thể liên quan trực tiếp đến sức khỏe răng miệng mà bạn thường bỏ qua. Hay nói cách khác bệnh răng miệng cũng chính là yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh mãn tính sau đây:
Bệnh tiểu đường
Bệnh nướu răng, đặc biệt là viêm nha chu, là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường. Những người bị viêm nha chu có tình trạng bệnh tiểu đường phức tạp hơn. Ngược lại, người có bệnh tiểu đường thường có nguy cơ cao mắc viêm nha chu.
Pamela McClain, chủ tịch của Viện Hàn lâm Nha khoa Mỹ, cho biết viêm nha chu gây hạn chế sự chuyển đổi Insulin trong cơ thể. Insulin vốn là một hormone giúp kiểm soát đường huyết bằng cách lưu trữ đường trong gan và chỉ phóng thích nó khi mức đường trong máu thấp hoặc khi cơ thể cần năng lượng. Do đó, cả những người mắc bệnh tiểu đường đều cần duy trì chế độ chăm sóc răng miệng tốt để không ảnh hưởng đến sự chuyển đổi Insulin, giúp ổn định mức đường trong máu.
Bệnh tim
Khi viêm nướu tiến triển có thể gây viêm trong hệ tuần hoàn. Viêm trong các mạch máu có thể giảm sự di chuyển của các tế bào máu giữa tim và phần còn lại của cơ thể, dẫn đến nguy cơ cao huyết áp. Hơn nữa, các mảng bám chất béo cũng có thể phá vỡ các mạch máu và di chuyển đến tim hoặc não gây ra đau tim và đột quỵ.
Các vấn đề khác
Các bệnh răng miệng có thể làm phát sinh một số bệnh khác, các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, bệnh phổi, béo phì đã được chứng minh có sự liên hệ với bệnh răng miệng. Ví dụ điển hình về bệnh phổi là vấn đề về răng miệng có thể làm tăng số lượng vi khuẩn trong phổi, gây ra tình trạng viêm phổi và bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính trở nên nghiêm trọng hơn.
Vì vậy, vệ sinh răng miệng đúng cách là rất quan trọng nếu bạn muốn có một hàm răng khỏe mạnh và bảo vệ sức khỏe toàn diện.
Bảo vệ trí nhớ và khả năng nhận thức
Các vấn đề về răng miệng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở người già hoặc phụ nữ mang thai. Người lớn tuổi có tình trạng vệ sinh răng miệng kém thì có trí nhớ và khả năng nhận thức kém hơn so với người có hàm răng khỏe mạnh. Do đó, chăm sóc răng miệng từ sớm và duy trì cách chăm sóc răng miệng đúng hàng ngày là điều cần thiết để bảo vệ trí nhớ và khả năng nhận thức.
Tăng cường tự tin và cải thiện chất lượng cuộc sống
Thói quen vệ sinh răng miệng tốt sẽ giúp răng bạn không bị ố vàng và giúp răng luôn trắng sáng. Hàm răng khỏe và đẹp có thể cải thiện đáng kể vẻ ngoài của bạn và giúp bạn giao tiếp với người khác dễ dàng hơn. Hơi thở thơm tho cũng giúp cuộc sống trở nên thuận tiện hơn, gắn kết các mối quan hệ xã hội.
Mặt khác, khi vệ sinh răng miệng đúng cách giúp bạn có một hàm răng khỏe mạnh, bạn không phải chịu đựng những cơn ê buốt hay đau nhức do sâu răng, viêm nướu,… Từ đó, việc ăn uống cũng dễ dàng hơn, giấc ngủ của bạn cũng được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng cao rõ rệt.
Thai nhi được phát triển bình thường, khỏe mạnh
Phụ nữ mang thai cần sự chăm sóc toàn diện để bảo đảm cho mẹ và thai nhi đều khỏe mạnh. Chăm sóc răng miệng cho mẹ bầu nên được quan tâm nhiều hơn. Thay đổi hormone trong quá trình mang thai có thể tăng nguy cơ mắc viêm sưng nướu ở phụ nữ có thai thậm chí dẫn đến viêm nha chu. Vấn đề này có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi trong tử cung, gây ra nguy cơ sinh non hoặc bé nhẹ cân hơn bình thường.
Do đó, phụ nữ được khuyến nghị nên kiểm tra tình trạng răng miệng tại nha khoa trước khi mang thai hoặc trong thời kỳ mang thai để phát hiện sớm và điều trị kịp thời tình trạng viêm nha chu.
9 sai lầm trong chăm sóc răng miệng
Oralmart chỉ ra cho bạn 9 sai lầm thường gặp trong chăm sóc răng miệng:
1. Đánh răng ngay sau khi ăn
Bạn có thói quen chải răng ngay sau khi ăn? Nếu vậy, đó là một sai lầm cần tránh vì sau khi ăn còn tồn lại một lượng acid trong miệng có khả năng tấn công men răng và nướu răng. Do đó, bạn hãy chờ ít nhất 30 phút để nước bọt cân bằng độ pH, trung hòa lại các acid có trong thức ăn. Sau quãng thời gian này bạn chải răng sẽ giúp loại bỏ một cách hoàn toàn các mảng bám vi khuẩn.
2. Quên chải răng trước khi ngủ
Khi ngủ, môi trường trong khoang miệng sẽ trở nên thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến nguy cơ hư hỏng men răng, sâu răng và bệnh nướu răng. Để đảm bảo sức khỏe răng miệng, hãy nhớ chải răng trước khi đi ngủ, bởi chỉ cần vài phút chăm sóc răng miệng mỗi ngày có thể giúp bạn tránh được nhiều vấn đề về răng miệng
3. Chải răng quá mạnh
Nhiều người có thói quen chải răng khá mạnh và chải theo chiều ngang, đây lại là thói quen không tốt trong chăm sóc răng miệng. Chải răng quá mạnh không chỉ làm tổn thương nướu mà còn làm mòn men răng.
4. Chải răng quá nhiều lần trong ngày
Chải răng quá nhiều có thể gây tổn thương men răng, lâu dần gây mòn men răng, mòn cổ chân răng. Dễ dẫn đến tình trạng răng nhạy cảm, gây đau buốt và nhiều bệnh lý răng miệng khác.
>> Xem thêm: Một ngày nên đánh răng mấy lần?
5. Không lấy cao răng định kỳ
Cao răng chính là nơi cư trú của lượng lớn vi khuẩn, việc tích tụ mảng bám trên răng có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như hôi miệng, răng bị ngả vàng, sậm màu, thậm chí dẫn đến viêm nướu và viêm nha chu – một căn bệnh có thể gây mất răng.
6. Vệ sinh bàn chải không đúng cách
Một số sai lầm khi dùng bàn chải đánh răng ảnh hưởng sức khỏe răng miệng của bạn.
- Dùng bàn chải có lông chải quá cứng gây bào mòn men răng và tổn thương nướu.
- Không thay bàn chải đánh răng định kỳ làm giảm hiệu quả làm sạch răng, tiềm ẩn nguy cơ bệnh răng miệng.
- Dùng chung bàn chải với người khác hoặc để bàn chải đánh răng của nhiều người gần nhau gây tăng nguy cơ lây truyền vi khuẩn gây bệnh răng miệng.
7. Không chú ý vào việc chăm sóc lợi
Nhiều người quan tâm nhiều đến việc chăm sóc răng mà bỏ qua vùng lợi răng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng lợi yếu, không được cung cấp đủ máu, và gây ra viêm nha chu, chảy máu nướu răng, lợi bị viêm, tụt lợi và thậm chí có thể mất răng.
8. Tẩy trắng răng nhiều lần bằng baking soda
Làm trắng răng bằng baking soda pha trộn với dấm hoặc nước chanh là phương pháp hiệu quả ngay lập tức, nhưng baking soda có tính chất bào mòn cao. Sử dụng thường xuyên hoặc lạm dụng có thể làm hỏng lớp men răng, gây đau nhức và tăng nguy cơ mắc sâu răng.
9. Ăn vặt quá nhiều nhất là vào ban đêm
Món ăn vặt như kẹo, bánh và các loại đồ ăn ngọt khác, thường chứa rất nhiều đường, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe răng miệng và làm cho chúng dễ bị hư hại hơn trong quá trình đánh răng. Việc ăn nhiều món ăn vặt cũng làm tăng nồng độ acid do vi khuẩn gây ra, ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.
Các biện pháp chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách
Thế nào là vệ sinh răng miệng đúng cách? Những biện pháp dưới đây sẽ giúp bạn chăm sóc răng miệng hiệu quả nhất, duy trì sức khỏe và nụ cười tươi đẹp.
Đánh răng đúng kỹ thuật
Bạn nên chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày cho khoảng ít nhất 2 phút, việc chải kỹ từng vùng và chải nhẹ nhàng sẽ giúp loại sạch mảng bám cũng như bảo vệ răng và nướu của bạn. Oralmart hướng dẫn bạn thực hiện thao tác đánh răng đúng:
- Bạn cần giữ bàn chải nghiên góc 45 độ vì như vậy, các lông bàn chải sẽ dễ dàng chạm tới đường viền nướu. Chải nhẹ nhàng mặt ngoài tất cả răng ở cả hàm trên và hàm dưới, với khoảng cách 2-3 răng, bạn cũng có thể chải theo chuyển động xoay tròn sao cho lông chải len lỏi vào các kẽ răng để lấy sạch các mảng bám thức ăn còn sót lại.
- Tiếp theo, chuyển hướng bàn chải vào mặt trong của răng ở cả hàm trên và hàm dưới và chải nhịp nhàng theo cách tương tự như mặt ngoài. Chải mặt sau của răng cửa theo chiều dọc và đảm bảo đi theo hướng lên xuống.
- Cuối cùng, đặt lông bàn chải răng song song với các mặt nhai của răng và nhẹ nhàng di chuyển bàn chải khoảng 10 lần từ trong ra ngoài.
Vệ sinh kẽ răng hiệu quả
Những mảng bám nằm sâu trong các kẽ răng cần dụng cụ làm sạch đặc biệt. Tăm nước, cây chải kẽ răng hay chỉ nha khoa là lực chọn tốt nhất để làm sạch kẽ răng. Bạn nên có thói quen vệ sinh kẽ răng ít nhất 1 lần mỗi ngày để loại bỏ hoàn toàn các mảng bám, hạn chế tích tụ vi khuẩn gây sâu răng, viêm nướu. Khi dùng chỉ nha khoa hoặc cây chải kẽ răng nên thao tác nhẹ nhàng để tránh kích thích và tổn thương nướu răng.
Chỉ nha khoa và cây chải kẻ răng nên được dùng trước khi chải răng để tăng hiệu quả làm sạch mọi bề mặt. Bạn nên loại bỏ thói quen dùng tăm tre hay vật sắt nhọn để làm sạch kẽ răng vì có nguy cơ cao gây tổn thương nướu răng, chảy máu nướu, viêm nướu. Đồng thời các dụng cụ đó cũng không đủ khả năng làm sạch và tiềm ẩn vi khuẩn.
Vệ sinh lưỡi đúng cách
Lưỡi là nơi tích tụ nhiều mảng bám nhưng nhiều người bỏ qua và không chú ý khi vệ sinh răng miệng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến hơi thở có mùi khó chịu. Do đó, bạn nên dùng dụng cụ vệ sinh lưỡi hay cây cạo lưỡi chải trên mặt lưỡi từ trong ra ngoài để làm sạch các mảng cặn bám trên lưỡi.
Lựa chọn bàn chải đánh răng
Bàn chải đánh răng là một dụng cụ được sử dụng hằng ngày trong vệ sinh răng miệng, tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc miệng do đó bạn nên lựa chọn loại bàn chải chất lượng cao, đến từ thương hiệu uy tín. Bạn nên dùng bàn chải có lông chải mềm hoặc siêu mềm tuy thuộc vào tình trạng răng miệng. Đầu bàn chải nên được bo tròn để tránh va chạm với nướu và tay cầm bàn chải nên được thiết kế chắc chắn, chống trơn trượt để kiểm soát lực chải một cách tốt nhất.
Tùy thuộc vào đối tượng sử dụng ma lựa chọn bàn chải đánh răng phù hợp. Trẻ em nên sử dụng bàn chải dành riêng cho trẻ. Người có nướu răng nhạy cảm, người sau phẫu thuật răng miệng, người gặp tình trạng răng ê buốt, người niềng răng, trồng răng implant nên dùng các loại bàn chải chuyên dùng. Nên thay bàn chải của bạn ít nhất mỗi 3 tháng hoặc khi bạn nhận thấy lông bàn chải đã bị tưa và không dễ chải sạch răng.
Lựa chọn kem đánh răng phù hợp
Nên chọn kem đánh răng chứa hoạt chất chăm sóc thích hợp với tình trạng bạn đang gặp phải. Lựa chọn kem đánh răng nha khoa sẽ giúp chăm sóc chuyên biệt cho từng trường hợp răng miệng. Hiện nay có rất nhiều loại kem đánh răng cho từng nhóm đối tượng như: kem đánh răng người sâu răng và chống xói mòn, kem đánh răng chăm sóc răng ê buốt, kem đánh răng chăm sóc nướu răng, kem đánh răng chuyên dùng cho người khô miệng,…
Sử dụng nước súc miệng chuyên biệt
Sử dụng nước súc miệng là cần thiết trong vệ sinh răng miệng. Sau khi chải răng hãy ngậm nước súc miệng trong khoảng 30 giây sao cho nước súc miệng tiếp xúc với mọi vùng trong khoang miệng. Bạn nên lưu ý không súc lại bằng nước thường để hoạt chất được lưu giữ lại trong miệng lâu hơn và phát huy tác dụng tối đa. Và hạn chế ăn uống trong vòng 30 phút sau khi dùng nước súc miệng.
Có rất nhiều loại nước súc miệng hiện nay, bạn cũng nên lựa chọn theo thành phần hoạt chất tương ứng với nhu cầu sử dụng để đạt hiệu quả cao.
Sử dụng dụng cụ bảo vệ răng và tránh hút thuốc lá
Khi tham gia vào các môn thể thao hoặc hoạt động giải trí có nguy cơ gây tổn thương cho răng, hãy sử dụng dụng cụ bảo vệ hàm răng để đảm bảo phòng tránh tối đa các tổn thương cho răng miệng.
Việc hút thuốc lá không chỉ làm màu răng bị ngả vàng, mà còn gây ra các vấn đề về nướu và tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm miệng. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe răng miệng, hạn chế hoặc ngừng hút thuốc lá là một điều cần thiết.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Thói quen ăn uống ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe răng miệng. Một trong những cách chăm sóc răng miệng chính là duy trì chế độ ăn uống lành mạnh.
- Uống nhiều nước lọc: Nước lọc có tác dụng tốt cho sức khỏe răng miệng và sức khỏe tổng thể. Hãy uống nước lọc sau mỗi bữa ăn để giúp loại bỏ tác động tiêu cực của acid có trong thực phẩm và đồ uống.
- Cân bằng dinh dưỡng: Ăn cân bằng và đa dạng các nguồn dinh dưỡng bao gồm thực phẩm tươi như hạt, ngũ cốc nguyên cám, trái cây, rau củ và các sản phẩm từ sữa sẽ cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
- Hạn chế ăn đồ ngọt và thức ăn chứa nhiều acid: Đường trong các món ngọt tạo ra acid làm mòn men răng và gây sâu răng. Do đó, những món ăn nhiều đường như: bánh, kẹo, nước uống có gas hoặc các đồ uống như trà, cà phê nên được hạn chế tối đa.
Ngoài ra, để chăm sóc răng miệng hiệu quả cho người niềng răng thì cần quan tâm nhiều đến chế độ ăn uống. Người niềng răng nên ăn những món ăn mềm, giàu chất dinh dưỡng và không gây mắc vướng vào mắc cài. Nếu bạn đang niềng răng bạn cũng nên tránh những món ăn quá cứng, quá nóng/lạnh và món ăn dẻo, dính. Bạn cũng nên tham khảo những thực đơn dành cho người niềng răng để chăm sóc tốt nhất trong quá trình niềng.
Thường xuyên khám nha khoa ít nhất 2 lần mỗi năm
Nên thực hiện khám nha khoa định kỳ ít nhất 2 lần trong năm hoặc thường xuyên hơn nếu có vấn đề về răng và nướu để được chăm sóc và tư vấn về sức khỏe răng miệng. Trong quá trình khám, nha sĩ sẽ thực hiện việc cạo vôi răng, kiểm tra và điều trị sâu răng theo cách phù hợp. Ngoài ra, khám nha khoa định kỳ còn giúp phát hiện các vấn đề tiềm ẩn và đưa ra các giải pháp ngăn chặn kịp thời các vấn đề răng miệng.
Cách chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Sau đây là những gợi ý giúp chăm sóc răng miệng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
- Trẻ em nên được chăm sóc và vệ sinh răng miệng từ sớm. Đối với những bé chưa thể tự chải răng, bố mẹ hãy giúp bé vệ sinh răng miệng hàng ngày. Đối với trẻ đã có khả năng cầm nắm bàn chải, bố mẹ hãy hướng dẫn bé và cùng bé chải răng mỗi ngày để giúp trẻ hình thành thói quen vệ sinh răng miệng.
- Trẻ em từ 6 tháng tuổi sẽ bắt đầu mọc răng sữa, bạn nên dùng gel bôi dành cho trẻ mọc răng sữa nhằm giúp bé bảo vệ răng và tạo cảm giác thoải mái dễ chịu, xoa dịu cơn đau cho bé.
- Dùng bàn chải đánh răng thích hợp với khuôn miệng của trẻ và dùng kem đánh răng phù hợp với lứa tuổi. Kem đánh răng cho trẻ em dưới 3 tuổi nên dùng những loại chứa enzyme tự nhiên vừa tăng cường bảo vệ vừa đảm bảo an toàn cho trẻ.
- Trẻ từ 3 tuổi nên dùng kem đánh răng chứa hoạt chất tái khoang hóa men răng, ngừa sâu răng và chăm sóc nướu như Sodium Fluoride, xylitol, provitamin B5. Đối với những bé từ 6 tuổi có thể dùng nước súc miệng chuyên dụng.
- Bạn nên giáo dục sức khỏe răng miệng cho bé từ sơm để bé hiểu được tầm quan trọng và cách vệ sinh răng miệng đúng cách.
- Thường xuyên đưa trẻ đến khám nha khoa để phát hiện sớm các vấn đề về răng miệng. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nha Khoa Hoa Kỳ, trẻ em từ 1 tuổi nên được đưa đến nha khoa thăm khám.
- Hạn chế cho trẻ ăn những món ăn nhiều đường và nhiều acid như bánh kẹo ngọt và nước uống có ga, khuyến khích trẻ ăn nhiều trái cây và rau xanh. Tuyệt đối không để trẻ ngậm bình sữa hay ngậm thức ăn trong miệng quá lâu để tránh tích tụ và sản sinh vi khuẩn.
Lời kết
Oralmart đã hướng dẫn bạn những biện pháp vệ sinh răng miệng đúng cách và những lưu ý để trong chăm sóc răng miệng. Bạn hãy duy trì việc vệ sinh răng miệng hằng ngày. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hoặc có ý kiến cần đóng góp hãy để lại bình luận nhé.